fbpx

Phổ Cập Organic: Sản Phẩm Organic Là Như Thế Nào?

01/07/2021

Organic hiện là xu hướng tiêu dùng rất phổ biến ở nước ta hiện nay vì đem lại mức độ an toàn cao nhất cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, việc nhận diện một sản phẩm organic vẫn là một khó khăn với nhiều người tiêu dùng vì họ chưa nắm rõ được định nghĩa cơ bản và các trường hợp thực phẩm được dán nhãn là “hữu cơ – organic”. 

Dưới đây là định nghĩa cơ bản của organic và các trường hợp được dán nhãn “organic” theo quy chế hữu cơ được tin dùng nhiều nhất hiện nay trên thế giới của USDA Organic – bộ phận nông nghiệp hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ USDA.

1. Hiểu chung về thực phẩm hữu cơ – organic:

Thực phẩm organic là một xu hướng trong tiêu dùng ở nước ta trong khoảng 5 năm trở lại đây gia tăng rất nhanh, nhằm đáp ứng nhu cầu “ăn sạch – sống xanh” của đông đảo người tiêu dùng.

Thực phẩm organic gồm đa dạng từ các thực phẩm từ tươi sống (thịt, cá, trứng, sữa,…) cho đến các thực phẩm từ thực vật, cả tươi (rau củ quả các loại) và đã qua chế biến như ngũ cốc, trái cây sấy hay sữa. 

Về công dụng, thực phẩm organic nắm giữ vai trò là loại thực phẩm tốt nhất cho sức khỏe người tiêu dùng hiện nay là vì:

  • Độ an toàn cao, phù hợp sức khỏe người tiêu dùng: vì nguồn gốc nuôi trồng thuần tự nhiên, giảm thiểu tối đa các hóa chất có hại cho sức khỏe;
  • Bổ dưỡng, giàu hàm lượng các chất dinh dưỡng: ngoài việc bảo toàn hàm lượng cao dinh dưỡng của sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm hữu cơ được chứng minh khoa học có chứa những dưỡng chất quan trọng tốt cho sức khỏe;
  • Tươi ngon: vì quá trình nuôi trồng thuần tự nhiên nên thực phẩm organic đảm bảo độ tươi và thanh khiết của thực phẩm;
  • Bảo vệ môi trường: canh tác organic đòi hỏi quy trình nghiêm ngặt nhằm bảo toàn tính tự nhiên của môi trường cây cối, động vật, đất,… nên sẽ để hạn chế các tác động tiêu cực lên môi trường.

Về quy chuẩn hữu cơ, mỗi quy chuẩn khác nhau sẽ kiểm soát mô hình sản xuất gồm nguyên liệu, quy trình,… của sản phẩm bằng các bộ tiêu chí nghiêm ngặt và đồ sộ khác nhau. Tuy nhiên về bản chất, để một sản phẩm được nhận diện là hữu cơ – organic thì bắt buộc trong quá trình canh tác (nuôi trồng và sản xuất) phải đảm bảo 3 yếu tố tiên quyết: 

  • Không sử dụng hóa chất nhân tạo (thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, chất bảo quản, chất tạo màu, chất làm ngọt nhân tạo, MSG…).
  • Không sử dụng các hormone kích thích tăng trưởng.
  • Không sử dụng các chất kháng sinh hoặc sinh vật biến đổi gen (GMO).

 

2. Hiểu cặn kẽ: các trường hợp được xem là sản phẩm hữu cơ – organic

Bên cạnh định nghĩa cơ bản để được xem là sản phẩm hữu cơ – organic ở trên, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ ấn định 4 trường hợp một sản phẩm nông nghiệp có thể được dán nhãn và liệt kê là có nguồn gốc hữu cơ – ứng với 4 mức độ phổ biến của sản phẩm hữu cơ trên thị trường hiện nay:

  • Sản phẩm có 100% thành phần được chứng nhận organic:

Để được dẫn nhãn “100% organic”, sản phẩm cần đáp ứng điều kiện tất cả các chất tồn tại bên trong thành phẩm và các chất hỗ trợ được dùng trong quá trình sản xuất, đều phải có nguồn gốc 100% hữu cơ.

Trên thực tế, để đáp ứng quy chuẩn nghiêm ngặt này, các sản phẩm của nhóm “100 percent organic” thường rơi vào các mặt hàng tươi sống (thực vật/động vật) hoặc sấy khô và có rất ít sản phẩm chế biến/mỹ phẩm/dược phẩm đạt được nhãn này.

  • Sản phẩm chứa ít nhất 95% thành phần được chứng nhận organic:

Các sản phẩm thuộc nhóm này sẽ được sử dụng nhãn “Organic” trên bao bì. Hiện nay đa số sản phẩm organic trên thị trường sẽ rơi vào trường hợp này, đặc biệt là các sản phẩm chế biến, mỹ phẩm, dược phẩm.

Đối với người tiêu dùng, điều quan trọng khi tiêu dùng các mặt hàng organic thuộc nhóm này là cần lưu ý thành thuộc vào nhóm 5% còn lại, đặc biệt cần lưu tâm các chất tổng hợp gây ung thư/dị ứng hoặc các hợp chất chống chỉ định cho thể trạng sức khỏe của chính bạn.

  • Sản phẩm có thành phần organic được chứng nhận ít nhất 70% và dưới 95%:

Trên nguyên tắc, nhóm sản phẩm này không được công nhận về nguồn gốc organic mà chỉ được xem là “sản xuất với các thành phần organic” và bắt buộc phải ghi nhãn “Made with organic ingredient”, đặc biệt không được phép sử dụng các logo organic (USDA Organic, EU Organic, Organic JAS,…) trên bao bì.

  • Sản phẩm có thành phần organic được chứng nhận dưới 70%:

Nhóm này đương nhiên không phải sản phẩm organic và trên nguyên tắc tuyệt đối không được phép sử dụng chữ “organic” trên bao bì

Trong bảng danh mục thành phần chi tiết, sản phẩm vẫn có thể liệt kê riêng các thành phần được chứng nhận organic.

 

3. Tiêu dùng thông minh: luôn cảnh giác với các thông tin về organic:

Từ nhu cầu thu lợi nhuận bất chấp sức khỏe người tiêu dùng, nhiều đối tượng trong quá trình cung ứng sản phẩm organic có xu hướng không minh bạch về nguồn gốc, thành phần sản phẩm và tùy tiện sử dụng các thuật ngữ về quy chuẩn organic để qua mắt người tiêu dùng.

Tệ hơn, vì lợi nhuận mà nhiều tổ chức trên thế giới sẵn sàng lập ra các chứng nhận organic kém chất lượng và tùy tiện cấp chứng nhận, gắn logo bất chấp sản phẩm có thành phần rất thấp nguồn gốc hữu cơ hay có chứa các chất tổng hợp độc hại cho sức khỏe.

Để trở phòng tránh nạn “organic dỏm” và thành một người tiêu dùng organic thông minh trong bối cảnh hiện nay, người tiêu dùng cần luôn cảnh giác khi chọn mua các sản phẩm hữu cơ – organic: nên tìm mua vào các tiêu chí của những quy chuẩn hữu cơ uy tín quốc tế (USDA Organic, EU Organic, Organic JAS,…) và luôn dựa vào kiến thức khoa học để cân nhắc tác động của các thành phần dinh dưỡng, các hợp chất,… bên trong một loại thực phẩm organic đến sức khỏe chúng ta trước khi tiêu dùng.

 

Tham khảo:

  • USDA Organic – các quy chuẩn của National Organic Program: https://bit.ly/2TM33kP

Chính phủ Hoa Kỳ – The National List of Allowed and Prohibited Substances: https://bit.ly/3xwV1Lu

scroll top